Một vài gợi ý về việc ra đề và chấm bài thi giáo lý
Giữa bối cảnh một thế giới và một xã hội phát triển rất nhanh, rất sâu và rất rộng về giáo dục, về văn hóa, về truyền thông đại chúng như hiện nay, đường hướng sư phạm hiện đại nói chung, Khoa Sư Phạm Huấn Giáo nói riêng, mời gọi một cách giảng dạy mới cũng như một cách ra đề bài và chấm thi khác hẳn thói quen lâu nay. Dựa vào kinh nghiệm dạy Giáo Lý cũng như đào tạo bồi dưỡng Giáo Lý Viên cho nhiều nơi, nhiều miền khác nhau, xin được mạnh dạn đề nghị ở đây 6 nguyên tắc chính yếu như sau:
-
Hiểu và cảm chứ không là thuộc lòng mà vô cảm Ðã chọn cách thức giảng dạy bằng phương pháp hội thoại thì cũng nên ra đề bài thi mang tính cách gợi ý sao cho các em học sinh Giáo Lý không dựa vào (mà cũng không thể dựa vào) việc học thuộc lòng (học tủ, học vẹt) để làm bài thi, nhưng các em sẽ cố gắng ôn lại mọi kiến thức Giáo Lý về Thiên Chúa đã thu nhặt, kết hợp với những cảm nhận gặp gỡ Thiên Chúa, được Thiên Chúa soi sáng để hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa mỗi ngày một hơn.
-
Ðến với Chúa chứ không chỉ là học về Chúa Làm bài thi như thế sẽ không còn phải là thi nữa, nhưng chính là dịp để các em cảm nghiệm lại từ tất cả những gì các em đã từng được khám phá, hiểu biết, gặp gỡ và gắn bó Thiên Chúa thông qua các bài học Giáo Lý trong từng học kỳ và trong cả năm học. Xin nhấn mạnh: Giáo Lý không phải là học về Thiên Chúa mà là đến với Thiên Chúa, không phải là viết về Thiên Chúa như Ngài là ngôi thứ ba, nhưng là trò chuyện với Thiên Chúa như Ngài là ngôi thứ hai đối với bản thân các em.
-
Thi mà lại không phải là thi Về tâm lý, các em sẽ không còn sợ thi, không còn não trạng phải quay cóp khi thi, không còn coi việc phải làm bài thi là gánh nặng đối với các em yếu hoặc là một cách để chứng tỏ sức học của mình đối với các em giỏi hơn, từ đó so kè hơn thua với các bạn, hoặc kiện cáo cò kè với thầy cô Giáo Lý Viên. Hoàn tất một năm học Giáo Lý cũng không phải là để cốt lên lớp, để lấy cho được “tấm bằng” đậu Rước Lễ, Thêm Sức hay Tuyên Tín. Xin nhấn mạnh, ở đây là lớp học Giáo Lý chứ đâu có phải là lớp học Phổ Thông Cơ Sở!
-
Trò yếu là tại thầy kém Nếu dạy một cách ân cần chu đáo (không nhất thiết là dạy hay dạy giỏi) thì kết quả giáo dục sẽ thể hiện ngay nơi bài làm (viết hay nói) của các em. Ðừng vội hồ đồ than thở: “Lớp tôi dạy, học sinh học dở quá!” hoặc “Lớp tôi có mấy đứa quậy phá mất dạy quá!” hoặc tệ hơn nữa là rỉa rói ngay tại lớp: “Tôi chán các em lắm, chưa bao giờ tôi gặp một lớp có nhiều em tệ hại như thế này!” Cần nhớ Giáo Lý Viên là “khí cụ” của Thiên Chúa sử dụng để giúp đỡ các em lớn lên trong tình yêu thương của Chúa và tha nhân. Nếu các em còn yếu, đó là vì cách dạy của ta có vấn đề nào đó đã gây cản trở cho tương quan của em ấy với Chúa.
-
Không bao giờ đánh rớt Toàn bộ chương trình các năm học Giáo Lý là cả một cuộc lữ hành khám phá, gặp gỡ, yêu mến và thực hành Lời Chúa. Các Bí Tích được trao ban (Hòa Giải, Thánh Thể, Thêm Sức) là do ân sủng nhưng-không của Thiên Chúa đối với từng em. Giáo Lý Viên chỉ là “người bạn lớn đồng hành” bên cạnh các em. Ðừng bao giờ căn cứ trên bài làm, kỳ thi, để quyết định “đánh rớt”, cho “lưu ban” hoặc “cấm vận” không cho các em nhận lấy Bí Tích. Trong trường hợp gặp những em cá biệt, nhớ ngay rằng: Thiên Chúa đang yêu thương em ấy cách đặc biệt! Hãy cố gắng hẹn gặp riêng em ấy trong ít là 3 buổi để giúp các em hiểu căn bản về Giáo Lý của cả năm học, sau đó để các em tự quyết định xin được lãnh nhận Bí Tích hay không?
-
Thầy sẽ lên lớp theo trò: Trong thực tế khó có thể áp dụng được nguyên tắc này, vì hầu hết ở các Giáo Xứ vẫn còn thiếu Giáo Lý Viên, hoặc Giáo Lý Viên chưa được đào tạo đầy đủ để có được bản lĩnh lên lớp theo các em cho tới khi các em hoàn tất chương trình Tuyên Tín (quen gọi là Bao Ðồng). Nhưng nếu áp dụng được thì hiệu quả giáo dục rất cao, Giáo Lý Viên đúng nghĩa là “người đồng hành”, chứng kiến và thấu hiểu được tiến trình lớn lên về Ðức Tin, về thể lý lẫn Tâm Lý của các em, từ đó mà nâng đỡ dìu dắt các em.
Dựa trên 6 nguyên tắc giáo dục và sư phạm nói trên, xin gợi ý các cách thức tổ chức làm bài cuối học kỳ hoặc cuối năm như sau:
-
Làm bài ở nhà: Ðể tránh tâm lý căng thẳng khi phải làm ở lớp, nên cho các em làm bài ở nhà, với thời gian khoảng một tuần. Không sợ tình trạng cha mẹ hay anh chị làm bài thay cho các em, nhưng chấp nhận cho các em hỏi thêm ý kiến mọi người để chính các em sẽ tự làm bài. Nhờ thế, chính phụ huynh các em cũng được dịp ôn lại vốn liếng căn bản Giáo Lý của họ nữa, càng hay! Phần các em, các em sẽ tự tin và cố gắng làm bài thật sâu sắc và chu đáo.
-
Làm bài ở lớp: Nếu chọn cách làm hội thoại này, nên chia các em thành từng nhóm 3 em, đưa ra các câu hỏi gợi ý cho từng nhóm, mỗi câu hỏi có thể liên quan đến một bài Giáo Lý đã học. Sau đó cho các em hội thoại với nhau trong 15 phút. Kế tiếp, cả lớp sẽ nghe lập lại câu hỏi, câu hỏi thuộc về nhóm nào thì nhóm ấy có một em đại diện đứng lên trình bày, hai em kia có thể bổ sung. Giáo Lý Viên chú ý điều chỉnh và củng cố thêm phần trình bày của các em.
-
Chấm bài thật ân cần: Giáo Lý Viên trước khi chấm bài, dành ra 3 phút để cầu nguyện với Chúa, xin ơn được thấu hiểu tấm lòng các em gửi gắm phía dưới và phía sau những hàng chữ hồn nhiên và ngây thơ. Ðối với mỗi bài viết của từng em, cần đọc chậm và kỹ, chú ý trước hết đến nội dung (ý tưởng và tâm tình với Chúa, với lớp, với bạn bè, với gia đình, với tha nhân), sau mới tới hình thức (câu cú, nét chữ, cách trình bày). Như thế có thể giúp các em lớn lên về tâm linh và cả nhân bản.
-
Dùng cùng màu mực với các em: Lâu nay ai cũng chấm bài bằng mực đỏ, nhưng ở đây xin đề nghị các em dùng màu mực nào để viết bài thì Giáo Lý Viên dùng màu mực ấy, các em dùng bút chì, ta cũng dùng bút chì. Màu mực đỏ xét ra không tốt về mặt ấn tượng tâm lý, nhất là đối với những bài làm chưa tốt, chưa đủ. Khi gặp một câu các em không làm được hoặc làm không đúng, không đủ, Giáo Lý Viên chịu khó ghi lại đầy đủ nội dung đáp án cho câu ấy ở cuối bài. Như thế các em nhận ra Giáo Lý Viên là người đồng hành chứ không phải là quan tòa xét xử!
-
Không chấm điểm và xếp loại: Cách này nhiều người chưa đồng ý lắm, nhưng ở chỗ này chỗ kia đã thử áp dụng thì thấy hiệu quả tốt. Mặc dù tâm lý các em còn trong độ tuổi thích cái gì cụ thể để hãnh diện, nhưng cũng cần cho các em thấy học Giáo Lý khác với học Phổ Thông. Vì thật ra mối tương quan giữa bản thân từng em với Thiên Chúa thì con người làm sao có thể đánh giá bằng điểm số và xếp loại cao thấp, giỏi, khá, trung bình hay yếu được?
-
Lời phê thật tích cực: Khi chấm xong mỗi bài, cố gắng có một lời phê gọn (khoảng 2 giòng) chứ không quá ngắn, cụt lủn (chỉ có một hai chữ). Chú ý đến các khía cạnh tích cực nhất. Ví dụ đối với một bài làm tốt: “Em đã cố gắng rất nhiều. Chúa rất thương em và em đã có được một sự gắn bó rất quý với Chúa và với mọi người, em hãy cố gắng sống điều ấy suốt đời.” Ví dụ đối với một bài làm chưa tốt lắm: “Em sẽ cố gắng nhiều hơn nữa, Chúa đang chờ em để giúp em. Em hãy chịu khó đọc lại phần thầy (cô) bổ túc ở cuối bài”.
-
Ngày phát bài là một cuộc họp mặt vui: Các em làm bài tốt hay bài chưa tốt thì tâm lý các em đều hồi hộp chờ đợi kết quả. Hãy biến hôm ấy thành một buổi thật vui và hào hứng, xuyên qua đó, Giáo Lý Viên giúp các em củng cố và bổ túc được kiến thức và tâm tình Giáo Lý. Em làm bài tốt thấy được khuyến khích, mà em làm bài chưa tốt cũng không thấy hổ thẹn mặc cảm. Cả lớp có thể tổ chức một cuộc liên hoan nhỏ với Chúa (tạ ơn) với Giáo Lý Viên (biết ơn) và với nhau (cám ơn). Như thế các em không còn “sợ” học Giáo Lý, nhưng sẽ phấn khởi bước vào một kỳ nghỉ hè với một trò chơi “Chiến Dịch Giáo Lý” đầy hào hứng. Hẹn gặp lại nhau năm sau ở lớp Giáo Lý lớn hơn.
Lm Lê Quang Uy, DCCT