Những lưu ý trong phụng vụ Tam nhật vượt qua và mùa Phục sinh
Tam Nhật Thánh
-
Trong tam nhật thánh không cử hành bất cứ thánh lễ nào kể cả an táng, nhưng có thể cử hành nghi thức an táng.
-
Nếu một cha phụ trách nhiều giáo xứ nhỏ nên quy tụ giáo dân về nhà thờ chính để dự lễ.
-
Tuy nhiên nếu một cha phụ trách nhiều giáo xứ lớn, trong đó có đông giáo dân tham dự và các nghi thức có thể cử hành một cách long trọng và xứng đáng, thì cha xứ có thể cử hành các nghi lễ tam nhật vượt qua lần thứ hai ở hai nhà thờ khác nhau.
-
Xin quý cha hủy dầu cũ và sử dụng dầu mới.
Thứ năm Tuần Thánh
-
Cấm cử hành thánh lễ không có giáo dân tham dự.
-
Có nghi thức rửa chân cho những người đàn ông giáo dân đã được tuyển chọn – Không mặc áo phỏng theo y phục giám mục.
-
Đọc kinh vinh danh nhưng không đọc kinh tin kính.
-
Sau lời nguyện hiệp lễ, bỏ hương, xông hương Mình Thánh Chúa, nhận khăn choàng phủ bình đựng Mình Thánh, cầm bình Mình Thánh lên và kiệu sang bàn thờ phụ.
-
Phải có nhà Tạm đóng kín.
-
Không trưng bày Mình Thánh Chúa ra hay đặt trong mặt nhật để chầu.
-
Nơi lưu trữ Mình Thánh chỉ nhằm lưu giữ Mình Thánh cho việc rước lễ ngày hôm sau, chứ không nhằm biểu thị mồ Chúa. Tránh kiểu trang trí như nhà mồ hay gọi đó là vườn Gethsemani.
-
Từ nửa đêm trở đi không tổ chức chầu MTC trọng thể.
Không tổ chức rước kiệu và đặt MTC trong các nhà thờ không cử hành nghi lễ chiều thứ Sáu tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa.
Thứ sáu Tuần Thánh
-
Sau bài thương khó có xướng “Đó là lời Chúa”.
-
Chỉ dùng một Thánh Giá duy nhất trong Nghi thức Kính Thờ. Nếu vì dân chúng đông, mỗi người không thể lên hôn kính Thánh Giá được, thì sau khi một phần tín hữu đã hôn kính. Linh Mục cầm Thánh Giá lên đứng trước bàn thờ, nói ít lời kêu mời dân chúng Kính Thờ Thánh Giá, rồi nâng cao Thánh Giá trong giây lát để mọi người thinh lặng tôn thờ.
-
Không được rước nẻ, bốc nẻ… có tính cách mê tín dị đoan. Thay thế vào đó có thể dùng hoa tươi đặt cạnh Tượng Chúa.
Thứ bảy Tuần Thánh – vọng Phục Sinh
-
Không được phép cử hành Thánh lễ mà không có nghi thức Canh Thức Vượt Qua.
-
Có thể cử hành Canh Thức Vượt Qua tại các Nhà thờ và Nhà Nguyện đã không cử hành các nghi thức ngày thứ 5 và thứ 6. Ngược lại tại các nơi cử hành các Nghi thức thứ 5 và thứ 6, có thể bỏ qua không cử hành Canh Thức Vượt Qua.
-
Để duy trì tính chân thật của dấu chỉ, diễn tả Chúa Kitô là Ánh Sáng thật soi chiếu thế gian nên nến Phục Sinh phải được làm bằng sáp nguyên tuyền và còn mới.
-
Về việc rước nến Phục Sinh
- Người cầm nến đi đầu, mọi người theo sau. Nếu có hương thì người cầm bình hương có bỏ hương đi trước người cầm nến.
- Sau khi người cầm nến xướng lần thứ hai câu: ÁNH SÁNG CHÚA KITÔ thì lấy lửa từ nến Phục Sinh thắp cho mọi người.
- Sau khi người cầm nến xướng lần thứ ba câu: ÁNH SÁNG CHÚA KITÔ thì thắp tất cả các đèn trong nhà thờ.
-
Bài công bố tin mừng Phục Sinh có thể do một ca viên nhưng người này không xin linh mục chủ tế ban phép lành. Bỏ câu: ”Vậy giờ đây… cho đến hết lời kêu gọi kể cả lời chào ‘Chúa ở cùng anh chị em’”.
-
Khi đọc các bài đọc mọi người tắt nến.
-
Phải đọc ít nhất ba bài Cựu ước. Trường hợp gấp rút có thể đọc hai bài nhưng không được bỏ bài trích sách Xuất hành.
-
Có thể xông hương khi đọc Phúc Âm nhưng không mang đèn nến.
Mùa Phục Sinh
-
Các ngày trong tuần Bát Nhật, mừng như lễ trọng kính Chúa, nhưng không đọc kinh Tin Kính trong Thánh Lễ (AC 24).
-
Trong tuần bát nhật chỉ được cử hành Thánh lễ an táng mà thôi.
-
Các Chúa Nhật Mùa Phục Sinh không được cử hành các thánh lễ khác, kể cả lễ an táng.
Về việc rước lễ trong mùa Phục Sinh
- Tại Việt Nam, thời gian cần thiết để giữ luật buộc rước lễ trong Mùa Phục Sinh là từ thứ tư - lễ tro cho đến hết lễ Chúa Ba Ngôi, chiếu theo điều 217 của Công Đồng Đông Dương lần thứ I, năm 1934 và Thông báo của Ủy Ban Giám Mục về Phụng Vụ, số VII, ngày 10/08/1971.
Về việc xưng tội
- Giáo luật điều 989 dạy: Mọi tín hữu sau khi đến tuổi khôn, buộc phải trung thành giữ luật xưng các TỘI TRỌNG, một năm ít là một lần.
Giải đáp một vài thắc mắc
-
Có thể làm phép mấy cây nến?
-
Những sách và những chỉ dẫn phụng vụ lưu ý rất nhiều là chỉ một cây nến phục sinh được chuẩn bị cho việc cử hành. Ví dụ, Thư Luân Lưu 1988 về việc chuẩn bị Lễ Phục Sinh do Bộ Phụng Tự phổ biến có nói: “Phải chuẩn bị cây nến phục sinh, cây nến đó, muốn cho sự biểu trưng được hiệu nghiệm, phải được làm bằng sáp ong, không bao giờ được giả tạo, phải thay mỗi năm, chỉ một thôi, và phải có chiều to đủ, ngõ hầu có thể gợi ý rằng Chúa Kitô là ánh sáng thế gian. Cây nến phục sinh được làm phép với những dấu và những lời được qui định trong Sách Lễ hay là bởi Hội Đồng Giám Mục.”
-
Sự nhấn mạnh này phải được thực hiện, để biểu trưng một ánh sáng là Chúa Kitô từ đó mọi cây nến khác được thắp lên.
-
Theo Cha Edward McNamara, giáo sư Phụng vụ tại đại học Regina Apostolorum: Trong trường hợp cần một cây nến nữa để đặt trong một nhà thờ không cử hành canh thức Vượt Qua, vị mục tử có thể làm phép riêng và chuẩn bị cây nến khác lúc thích hợp sau Vọng Phục Sinh và chỉ đặt cây nến đó trong giáo xứ khác trước Thánh lễ thứ nhất mà không có nghi thức gì đặc biệt. Tuy nhiên, nên xông hương cây nến một lượt và bàn thờ khi bắt đầu Thánh Lễ.
-
-
Có được đốt nến Phục Sinh quanh năm không?
-
Lịch Công giáo có hướng dẫn: “Nến Phục Sinh đặt gần giảng đài hoặc gần bàn thờ và được thắp sáng trong các giờ cử hành phụng vụ trọng thể hơn của mùa này, tức là trong thánh lễ, giờ kinh sáng và giờ kinh chiều cho đến hết lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.” (tr. 69)
-
“Sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, nến Phục Sinh được đặt tại Giếng Rửa Tội, để khi rửa tội thì đốt lên và châm nến cho những người lãnh bí tích. Trong nghi lễ an táng, Nến Phục Sinh được đặt gần quan tài để nói lên rằng cái chết của người Kitô hữu là một cuộc Vượt Qua đích thực” (CE 372 và Thông Tư Bộ Phượng Tự ngày 16-1-1988 số 99). Ngoài mùa Phục Sinh, không được đặt và đốt nến Phục Sinh trên cung thánh (tr. 84).
-
Như vậy, theo quy định của Bộ Phượng Tự thì nến Phục Sinh chỉ dùng trong mùa Phục Sinh, khi ban bí tích rửa tội và khi cử hành lễ an táng, chứ không được đặt và đốt quanh năm.
-