Việt Anh
Việt Anh

Mặc áo dài trong các ngày Chúa nhật, lễ trọng

Mặc áo dài trong các ngày Chúa nhật, lễ trọng

Từ hàng trăm năm nay, chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam đã được coi là “quốc hồn quốc tuý” của dân tộc và được coi như một biểu tượng Việt Nam. Vẻ đẹp mềm mại, dịu dàng và kín đáo của chiếc áo dài Việt Nam được thể hiện bằng cổ cao, bờ vai tròn trịa mềm mại với hai tà áo thướt tha. Chiếc áo dài Việt Nam cũng đầy nữ tính, gợi cảm. Nếu người phương Tây thích khoe cổ, khoe tay thì chiếc áo dài với đường lượn ở đáy eo cũng đã tạo nên bao sự gợi cảm, cuốn hút.

Theo tư liệu của ông Âu Tuyền (Huế), chiếc áo dài xưa “có độ dài vừa phải, không lê thê phết gót mà cũng không ngắn đến quá đầu gối. Eo áo rộng nhưng cũng tạo dáng thắt đáy lưng ong. Vai tròn, ngực tròn dù bên trong chỉ mặc áo yếm. Áo dài xưa thường có màu trắng hoặc màu nhẹ nhàng như màu xanh da trời, tím nhạt, tuyền đen, vàng mơ mặc với quần đen hoặc trắng, ống quần không quá rộng…”. Chất liệu chủ yếu bằng lụa là.

Trong những năm gần đây, với sự nỗ lực của một số hoạ sĩ, nhà tạo mẫu đã đem lại một vẻ đẹp mới cho tà áo dài Việt Nam. Vẫn giữ nguyên kiểu dáng, cấu trúc của chiếc áo dài cổ điển, họ đưa thêm nhiều chất liệu mới và thổi vào đó vẻ đẹp mới, hiện đại, được chắt lọc từ văn hoá truyền thống Việt Nam như thêu, vẽ những hoạ tiết trang trí, điểm xuyến những hoa văn từ các trang phục của các dân tộc Việt Nam, hoạ tiết từ trống đồng Ngọc Lũ, phục hồi chiếc áo dài 300 năm, phục hồi nghệ thuật thêu truyền thống trên áo dài… đã tạo nên một ấn tượng đẹp cho áo dài Việt Nam.

Từ rất lâu áo dài được mặc trong các buổi lễ, đám tiệc lọng trọng, cô giáo mặc đi dạy, cô dâu mặc trong ngày cưới, bên đạo Thiên Chúa các bà, các cô mặc đi lễ nhìn rất nghiêm trang và đẹp mắt, nhưng do hoàn cảnh có một lúc vải vóc rất là khó mua, khó kiếm, người ta chỉ nghĩ kiếm đủ miếng ăn, mặc sao cũng được và như vậy áo dài được xếp vào hàng quí hiếm chỉ để dành cho các cô dâu trong ngày cưới, hiếm người mặc áo dài, đồ ngắn được thay thế và trở thành mốt.

Nhưng rồi thời khó khăn đã qua đi áo dài được phục hồi, các show trình diễn thời trang áo dài bắt đầu xuất hiện, nhà nước yêu cầu các cô giáo mặc áo dài đi dạy, thi hoa hậu thế giới hay khu vực hoặc trong nước Việt Nam luôn chọn áo dài là nét đặc trưng và áo dài luôn là sự trầm trô khen ngợi của rất nhiều người, nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại giáo xứ Cần Xây, từ khi cha sở Mai Đức Vượng về nhận xứ điều trăn trở của cha là trong các thánh lễ, đặc biệt là lễ trọng, lễ chủ nhật giáo dân phải mặc đẹp, kín đáo, trang nghiêm, nam giới mặc áo sơ mi bỏ áo trong quần, nữ giới mặc áo dài. Lúc đầu có nhiều người còn ngại ngùng mắc cỡ vì chưa quen, nhưng sau vài tuần ai không mặc như vậy trở thành lạc lõng, thế là mọi người ai nấy đều tuân thủ nhìn nhà thờ rất đẹp mắt. Các chị bây giờ vô cùng đẹp với áo dài đủ màu: xanh, vàng, tím, đỏ, gắn cườm, thêu bông, in hoa, áo dài cách điệu… như một vườn hoa muôn sắc. Đặc biệt hơn, ca đoàn còn chọn cho mình một màu sắc áo dài riêng nhìn đẹp hết chỗ chê. Nhiều sáng chủ nhật sau giờ tan lễ tôi được nghe những người chạy xe ngang qua nhà thờ và dọc đường hướng về hướng Long Xuyên họ tấm tắc khen ngợi: ”công nhận người Công Giáo đi lễ mặc đẹp thiệt, các cô, các bà mặc áo dài nhìn thướt tha quá”. Nơi mình ở người khác tôn giáo nhiều hơn lâu lâu gặp họ tâm sự: ”bên đạo tôi nếu có may áo dài chỉ mặc ngày cưới rồi là bỏ, chẳng biết mặc khi nào, nếu có mặc cúng thì phải mặc áo dài nâu. Nhìn thấy bên Công giáo mặc áo dài đi lễ tôi thấy mê thiệt đó”. Nhiều cậu thanh niên lại cao hứng nói khác, thấy mấy em gái bên đạo mặc áo dài đi lễ tôi muốn theo đạo để lấy vợ có đạo… và chính bản thân tôi cũng vậy, các bà, các cô mặc áo dài lần nào tôi cũng để ý thấy càng ngày càng đẹp ra. Đôi khi nói vui với bà xã “anh thấy lúc này người nào cũng có bôn năm cái áo dài đủ các màu, may đẹp, mặc đẹp quá chắc ngày nào anh cũng phải đi lễ để ngắm quá”. Bà xã hỏi lại, vậy em mặc áo dài có đẹp không? Đương nhiên là đẹp rồi, vậy anh mới đi mua vải may áo dài cho em đó.

Các bà, các cô thấy chưa, ai cũng khen kể cả chim trời ngày nào trong nhà thờ các bà mặc áo dài hết, chưng bông rực rỡ là các chú chim ngất ngây đứng trên nhìn xuống không kêu rối loạn như những ngày ít bông, ít áo dài. Đừng quên mặc áo dài nhé, vừa làm đẹp cho chính mình, vừa là bông hoa tươi thắm cho mọi người ca ngợi vẻ đẹp Thiên Chúa đã làm, ngoài ra còn một ý nghĩa rất to lớn đó là truyền giáo.

Màu áo ca đoàn giáo xứ

Tan lễ ra về hướng Long Xuyên

Sân nhà thờ giờ tan lễ

comments powered by Disqus