Bài giảng lễ Tình nhân
Ông Bà anh chị em thân mến,
Hôm nay ngày 14 tháng 02, ngày Valentine, còn gọi là lễ Tình Nhân. Ngày lễ Tình nhân mới đi vào sinh hoạt của người Việt chừng vài chục năm nay. Ngày này, những người yêu nhau họ quan tâm đến nhau bằng việc chăm sóc, tặng quà cho nhau để bày tỏ tình yêu thương đối với nhau.
Đối với phần lớn chúng ta có mặt trong nhà thờ hôm nay, một phần vì lớn tuổi, một phần ở thôn quê, lễ tình nhân còn xa lạ. Quen nhau trong những sinh họat nào đó của giáo xứ như ca đoàn, như đoàn thể, cùng khu xóm. Những buổi gặp gỡ, hẹn hò cũng chính là thời gian đi hát, đi sinh họat ở nhà thờ. Mỗi lần tập hát xong, rủ nhau đi uống nước mía là đã thấy lãng mạn lắm rồi… rồi phải lòng nhau, rồi cưới nhau. Ngày ấy nào biết đến Valentine là gì?
Một chị tâm sự: Chúng con quen nhau như thế đó, rồi đám cưới, rồi có con.. Chính đứa con gái lớn của con một lần đã nói với con: “Sao con không thấy ba mua quà tặng mẹ ngày Valentine bao giờ?”. Chúng con giật mình vì đã hững hờ với nhau nhiều quá! Năm đó lần đầu tiên nhà con mua tặng cho con một cái áo đẹp, hàng hiệu, con rất vừa ý. Từ đó chúng con thấy tình yêu của chúng con như được hâm nóng lại. Chúng biết quý nhau hơn, và mỗi năm ngày 14/02 chúng con lại nhớ, mỗi người lo mua quà cho nhau: cái áo sơmi, chai dầu thơm hay hộp kem dưỡng da. Quà đơn sơ nhưng cả hai đều rất vui và thấy thương nhau hơn, và tổ chức ngày lễ Tình Nhân trong gia đình bằng một bữa cơm tối tươm tất hơn với những món mà cả nhà đều thích. Con cái thấy chúng con quan tâm đến nhau, chúng cũng không coi thường tình yêu của chúng đối với nhau.
Người ta gọi ngày lễ Valentine là Lễ Tình Nhân. Không có nghĩa là lễ của những người trẻ đang bồ bịch với nhau, nhưng phải hiểu là lễ của những người đang yêu nhau! Trước khi cưới nhau, chúng ta đã là những tình nhân của nhau, và cả sau khi cưới nhau, chúng ta cũng vẫn là Tình Nhân, là người tình của nhau cho đến chết.
Anh chị em thân mến, hôm nay nhân ngày lễ Tình Nhân, lần đầu tiên, tôi muốn mời anh chị em tham dự thánh lễ. Tôi cũng mời hai Cha đồng tế để cầu nguyện cho anh chị em. Chúng ta ngồi bên nhau, sốt sắng dâng thánh lễ này để:
- Cảm tạ Chúa đã gìn giữ chúng ta trong suốt hành trình hôn nhân nhiều chục năm qua. Tất nhiên chúng đã phải trải qua không biết bao nhiêu là vất vả, là khó khăn, là sóng gió thử thách… Chúng ta vẫn còn sống chung được với nhau cho đến hôm nay.
- Chúng ta cũng cầu xin Chúa chúc lành cho tình yêu của chúng ta. Xin Chúa luôn phù hộ, đỡ nâng, đồng hành để chúng ta tiếp tục trung thành với nhau cho đến suốt đời.
Đó chính là mục đích của Thánh lễ này.
Nhân ngày lễ Tình Nhân hôm nay, tôi muốn trao đổi với anh chị em về một vấn đề muôn thuở, đó là Tình Yêu. Cụ thể chúng ta đặt câu hỏi: Sau nhiều chục năm chung sống, có còn cần đến Tình Yêu như thuở ban đầu nữa hay không? Tôi xin được trả lời: Nói đến hai chữ Tình yêu, có lẽ nhiều người lớn tuổi sẽ cười, vì nghĩ rằng: Già rồi, còn yêu thương gì nữa! Tôi cũng đồng ý như vậy, nếu hiểu tình yêu là những rạo rực đầu đời, của những cặp trai gái thuở mới biết nhau và ít năm mới cưới nhau… Nhưng nếu hiểu rằng: Cả những năm còn lại của đời sống chung, Tình Yêu cũng vẫn còn là yếu tố nối kết, gắn bó rất cần thiết, để có thể trung thành với nhau đế suốt đời, thì vẫn cần có Tình Yêu. Có thể chữ “yêu” lúc đó được thay bằng chữ “thương” cho bớt ngại, nhưng yêu hay thương vẫn là tình yêu! Vì không yêu hay không thương làm sao sống chung được?
Những lần qua Mỹ tôi thấy rất rõ thực tế này, đó là khi còn trẻ, có thể người ta thay chồng đổi vợ như thay áo, nhưng khi về già, họ yêu nhau tha thiết. Có những ông cụ tôi đoán là trên dưới tám chục, lái xe chở bà cụ đi làm móng hoặc đi mua sắm. Ông đưa bà đến tiệm hay đến chợ. Lật đật mở cửa xe cho bà xuống. Hôn bà một cái, rồi vào xe ngồi chờ cả tiếng cho đến khi bà làm xong. Hôn bà lần nữa, rồi mở cửa cho bà vào xe, đóng cửa lại cẩn thận rồi mới lụm khụm ngồi vào vô lăng, lái xe đưa bà về. Những ngày nghỉ, tôi thấy ở những công viên, ngoài những cặp thanh niên nam nữ, tôi cũng thấy không ít những cặp các ông bà cụ chống gậy dắt nhau đi ngắm cảnh, phơi nắng… Thật dễ thương! Có lẽ, tuổi càng cao, người ta càng thấy cần nhau hơn!
Quan niệm Á Đông hơi bị ngặt nghèo: lớn tuổi rồi thì ngại bày tỏ tình yêu đối với nhau, sợ con cái nhìn thấy, chúng cười! Thậm chí cả việc ngủ chung. Bên Mỹ thì không vậy, gia đình có nhiều phòng: phòng riêng cho cha mẹ, phòng cho từng đứa con.
Trong những sách vở dạy về Hôn Nhân, cũng khuyên các cặp vợ chồng lớn tuổi, đừng ngại việc gần gũi nhau, vì đó chính là yếu tố cần thiết để di dưỡng sức khỏe tuổi già, là tuổi rất sợ cô đơn, tuổi của nhiều mặc cảm, vì mọi khả năng đều đã sa sút.
Với một vài chia sẻ đơn sơ, tôi nghĩ rằng quý ông bà anh chị em chắc đã hiểu: TÌNH YÊU vẫn là nhu cầu muôn thuở dù ở bất cứ giai đọan nào trong cuộc sống. Những gia đình hoàn cảnh cho phép (nhà có nhiều phòng) và không gây gương mù cho con cái, xin quý ông bà, anh chị đừng ngại quan tâm chăm sóc và biểu lộ tình thương yêu đối với nhau. Một chia sẻ nữa nhân ngày Lễ Tình Nhân hôm nay: Tôi xin được gợi ý với quý ông bà anh chị em, là Hãy luôn coi nhau như TÌNH NHÂN, như KHÁCH QUÝ! Chúng ta chăm sóc, trân trọng người tình, người khách quý như thế nào, vợ chồng cũng hãy chăm sóc và trân trọng nhau như thế. Ông bà chúng ta đã dạy: “Phu phụ tương kính như tân”. Vợ chồng hãy coi nhau như Khách.
Tôi cũng xin mượn lời cũa một người đàn ông, trước khi nhắm mắt từ giã cõi đời, đã nói với bà vợ của mình, để thay lời kết: “EM yêu, trong cõi vĩnh hằng, nếu người ta còn cưới vợ, lấy chồng, thì người anh chọn cũng sẽ là EM”.
Nhân ngày Lễ Tình Nhân, cầu nguyện cho Tình Yêu của Quý Ông Bà anh chị em hôm nay, tôi chân thành cầu chúc Quý Ông Bà anh chị em nhiều sức khỏe, luôn hạnh phúc, can đảm vượt qua mọi thử thách để trung thành với nhau cho đến trọn đời.
Xin Chúa chúc lành cho tình yêu của Ông bà anh chị em.
LM. Pr. Mai Đức Vượng