Việt Anh
Việt Anh

Bài giảng lễ Mình máu Thánh Chúa

Bài giảng lễ Mình máu Thánh Chúa

Trước thực trạng gia đình đổ vỡ ngày một nhiều, linh mục Pê-tanh đã kêu gọi: “Gia đình nào biết cầu nguyện chung với nhau, sẽ ở mãi bên nhau”. Thật vậy, những giờ kinh gia đình, sẽ củng cố mối giây hiệp nhất mọi thành phần trong gia đình với nhau mỗi ngày thêm bền chặt. Những giờ kinh dù vắn tắt trong gia đình như lò than hồng, luôn giữa được hơi ấm yêu thương giữa những người trong gia đình với nhau.

Cha Gioan Tô-mát, một linh mục dòng tên, Ngài lại nhìn đến một khía cạnh khác, một khía cạnh xã hội, không kém quan trọng đó là những bữa ăn chung trong gia đình, sẽ giúp mọi thành phần trong gia đình Hiệp Nhất với nhau. Gia đình nào ăn chung với nhau, sẽ ở mãi bên nhau!

Bữa ăn chung trong gia đình có một tầm quan trọng và ý nghĩa của nó, nhưng ngày nay vì sự lệch giờ trong công việc của những người lớn trong gia đình, rồi nhu cầu giải trí riêng tư của mỗi người, cộng với việc học hành của con cái, những bữa ăn chung trong nhiều gia đình trở thành hiếm hoi. Rất nhiều bà vợ than về những bữa ăn lạnh lẽo trong gia đình. Bữa ăn chung trong gia đình là giây phút hiệp nhất của mọi thành phần trong gia đình, vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh em… là cơ hội chia sẻ những niềm vui, những nỗi buồn với nhau quanh mâm cơm. Một người nào đó được mời dùng cơm với gia đình, có nghĩa là người ấy được chấp nhận vào tình thân với gia đình đó, nói dễ hiểu: người ấy được gia đình đó quý mến như người thân.

Hôm nay, Lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa, tôi không nói đến ý nghĩa thần học cao siêu của Bí tích Thánh Thể, như: Vì Yêu thương con người mà Ngài đã lập ra Bí tích Thánh Thể để ở gần, ở ngay trong con người chúng ta. Tôi cũng không nói đến “sự hiện diện đích thực” của Chúa trong Bí tích Thánh Thể… vì những điều đó, anh chị em đã nghe rất nhiều mỗi khi nói đến Bí tích Thánh Thể, và tôi cũng nghĩ rằng: tất cả anh chị em luôn tin có Chúa ngự trong hình bánh khi chúng ta tham dự thánh lễ và rước lễ. Ở đây, hôm nay, tôi chỉ xin nói về ý nghĩa xã hội của Bí tích Thánh Thể qua hình thức Một Bữa Tiệc.

Khi lập bí tích Thánh Thể, Chúa đã dùng một Bữa Ăn, bữa ăn cuối cùng với các môn đệ. Phải nói rằng khi chọn một bữa ăn để thiết lập bí tích vô cùng quan trọng, bí tích được gọi là trung tâm của mọi bí tích này, Chúa thật vô cùng khôn ngoan và tâm lý.

  • Bữa ăn là lúc người ta gần nhau nhất.

  • Bữa ăn cũng là lúc người ta mở lòng mình ra để chấp nhận người khác. Các hợp đồng làm ăn người ta cũng hay lồng ghép trong những bữa ăn. Bữa ăn cũng là nơi mà mọi thành kiến, mọi ngăn cách được dẹp bỏ. Cụm từ “Ngồi đồng bàn” thường được hiểu là bình đẳng.

  • Bữa ăn cũng là khỏanh khắc mà người ta khó quên nhất. Trước khi xa nhau người ta cũng hay tổ chức “Bữa cơm từ giã”. Những hình ảnh, những câu chuyện trong bữa ăn ấy thường khó quên. Chính những hình ảnh của bữa tiệc ly, đã giúp hai môn đệ làng Emmaus nhận ra Thầy của mình…

Bí tích Thánh thể được cử hành ở khắp nơi trên trái đất này mỗi ngày cho đến khi Chúa trở lại cũng dưới hình thức một Bữa Tiệc. Chúng ta gọi thánh lễ là Tiệc Thánh.

Anh chị em thân mến, như Bữa ăn nuôi dưỡng thân xác chúng ta, và thắt chặt thêm tình nghĩa gia đình, cũng như với người khác thế nào, thì Bí tích Thánh Thể cũng vậy.

Khi lên rước lễ, chúng ta ăn Mình và Máu Thánh Chúa, là lương thực vừa giúp chúng ta sống vui, sống khỏe, sống tốt đẹp ở đời này, vừa bảo đảm cho sự sống lại và cuộc sống vĩnh cửu của chúng ta như Chúa đã quả quyết: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì tôi sống trong người ấy, và tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết và được sống đời đời”.

Biết bao nhiêu người gặp gian nan thử thách, nhờ thánh lễ đã giúp họ vững lòng, vượt qua. Hôm nay, chúng ta dễ gặp hình vẽ Đức Cố Hồng Y FX. Nguyễn văn Thuận, với bộ quần áo người tù, quỳ gối trong xà lim hai bàn tay đặt vào nhau… Ngài đang dâng lễ với ba giọt rượu và chút bánh trong lòng bàn tay, do một họa sĩ người Úc vẽ. Tấm ảnh đã làm rất nhiều người xúc động. Chính nhờ thánh lễ mỗi ngày, đã giúp Ngài giữ vững tinh thần, luôn sống vui, sống hy vọng suốt hằng chục năm lao tù, và còn truyền lửa lạc quan, hy vọng cho cả những người quản giáo, những bạn tù của Ngài. Thánh lễ đem lại sức sống cho cuộc đời hiện tại, là bảo chứng cho sự sống lại, vì vậy chúng ta hãy siêng năng rước lễ mỗi khi tham dự thánh lễ. Đồng thời, khi dâng Thánh lễ, là chúng ta cùng tham dự một Bàn Tiệc, chia sẻ Mình Máu Chúa Kitô. Chúng ta được hiệp thông với Chúa, thì chúng ta cũng phải hiệp thông với nhau bằng một cuộc sống yêu thương phục vụ, để cuộc đời chúng ta hạnh phúc hơn và cùng nhau xây dựng một giáo xứ, một quê hương, một xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Chúng ta đừng quên Lời Chúa: Khi anh em đến nhà thờ dâng của lễ, mà chợt nhớ còn bất hòa với ai. Hãy để của lễ đó về làm hòa với nhau, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Amen.

Cha sở Pr. Mai Đức Vượng

comments powered by Disqus